Xây dựng mô hình tổ liên gia PCCC
Theo hướng dẫn của Cảnh sát PCCC, mỗi tổ liên gia bao gồm từ 05 hộ gia đình là nhà để ở hoặc nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trở lên. Trong đó 100% hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, nổ tại khu dân cư liền kề nhau cần thiết phải được tham gia.
Có quy chế hoạt động của tổ liên gia (phân công nhiệm vụ cụ thể cho tổ trưởng, tổ viên, chủ hộ gia đình và các thành viên thuộc các hộ gia đình; chế độ hoạt động…).
Mỗi hộ gia đình phải đảm bảo các điều kiện sau:
– Trang bị bình chữa cháy xách tay;
– Bố trí lối ra thoát nạn thứ 2;
– Trang bị hệ thống nút ấn khẩn cấp;
– Trang bị đầu báo khói/nhiệt;
– Trang bị còi đèn cảnh báo bằng âm thanh và ánh sáng;
Phương án trang bị thiết bị báo cháy cho tổ liên gia PCCC
Mô hình 01: Sử dụng thiết bị báo cháy thông thường, kết nối bằng dây cáp điện
+ Mỗi hộ gia đình lắp đặt ít nhất 01 nút ấn báo cháy khẩn cấp tại khu vực sử dụng để ở hoặc tại khu vực sản xuất, kinh doanh (tại nơi dễ thấy);
+ Trang bị nút ấn lắp ở bên ngoài hộ gia đình. Căn cứ điều kiện thực tế, 02 hộ gia đình sát vách nhau có thể dùng chung 01 nút ấn.
+ Yêu cầu lắp đặt:
Nút ấn được lắp đặt trên tường, vách, cấu kiện xây dựng của nhà ở độ cao từ 1,5m – 2m.
Vị trí lắp đặt phải bảo đảm dễ thấy, dễ thao tác, có biện pháp chống các tác động từ môi trường, tác động ngoài ý muốn.
– Trang bị chuông hoặc còi kết hợp đèn báo sự cố.
Trong đó mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 01 chuông hoặc còi đèn kết hợp lắp ở bên trong nhà tại vị trí phù hợp để người ở bất kỳ gian phòng, tầng nhà đều nghe được âm thanh báo động. Chiều cao lắp đặt thiết bị từ 2,5m – 3m.
– Đèn báo sự cố (đèn chiếu sáng, đèn chớp, đèn báo cháy…): Trang bị 01 đèn chiếu sáng lắp ở bên ngoài của hộ gia đình, vị trí lắp đặt đèn bảo đảm dễ nhận biết, có biện pháp chống tác động từ môi trường bên ngoài.
– Dây dẫn, nguồn cấp cho hệ thống: Lựa chọn tiết diện dây dẫn điện, nguồn cấp phải bảo đảm tiết diện, công suất cấp nguồn cho tất cả thiết bị cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia cùng hoạt động, nhất là hộ gia đình ở cuối tuyến, nguồn điện phải được đấu nối trước cầu dao tổng của hộ gia đình
Mô hình 02: Sử dụng bị thiết bị báo cháy không dây – Báo cháy qua thiết bị di động.
– Hệ thống nút ấn, thiết bị báo sự cố cháy không dây
+ Thiết bị sử dụng pin loại 9V bán phổ biến trên thị trường, thời gian sử dụng từ 3 – 4 năm. Nút nhấn báo cháy tích hợp còi báo cháy, liên kết với nhau bằng sóng vô tuyến chủ động, không phụ thuộc vào mạng wifi.
+ Nút ấn lắp ở bên ngoài hộ gia đình là loại chống nước. Căn cứ điều kiện thực tế, 02 hộ gia đình sát vách nhau có thể dùng chung 01 nút ấn.
– Đầu báo cháy tự động không dây (đầu báo khói/nhiệt).
Tại những khu vực ban đêm không có người ở (các tầng phục vụ kinh doanh trong nhà), cần phải trang bị đầu báo cháy tự động.
Thiết bị này sử dụng pin (thời gian sử dụng 3-4 năm) và tự động kết nối với các thiết bị khác trong tổ liên gia bằng sóng radio ở tần số 433.5Mhz.
Trên đầu báo có tích hợp còi và đèn để phát ra báo động khi có sự cố.
– Đèn báo sự cố (đèn chiếu sáng, đèn chớp, đèn báo cháy…)
Trang bị 01 đèn chiếu sáng lắp ở bên ngoài của hộ gia đình, vị trí lắp đặt đèn bảo đảm dễ nhận biết, có biện pháp chống tác động từ môi trường bên ngoài.
– Thiết bị quản lý và truyền tín hiệu không dây.
Là thiết bị dùng chung của cả tổ liên gia, kết nối tới tất cả các thiết bị báo cháy và nút nhấn, chuông, đèn trong từng hộ bằng liên kết không dây.
Khi có sự cố, thiết bị này sẽ gửi thông báo và gọi điện thoại tới tất cả các số được cài trong danh sách, bao gồm cả chức năng gửi thông báo đến hệ thống cảnh báo cháy tập trung.
Để đạt được các nội dung trên, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng lợi ích từ việc xây dựng, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn tỉnh. Trong đó Công tác tuyên truyền phải thực hiện đồng bộ, trước nhất là lấy người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng Công an nhân dân, lực lượng dân phòng là nòng cốt để tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước và người thân, cho tới người dân. Vận động, hướng dẫn các hộ gia đình trong mô hình về PCCC thực hiện theo các tiêu chí đề ra của mô hình như tự nguyện đóng góp, xã hội hóa kinh phí để trang bị phương tiện PCCC, thoát nạn, dung cụ phá dỡ, hệ thống báo cháy liên động…; đảm bảo ít nhất có 02 lối thoát nạn trong nhà; Cài đặt app “Báo cháy 114”…Tổ chức rà soát, thống kê và đăng ký chỉ tiêu xây dựng, nhân rộng mô hình. Công tác xây dựng và duy trì hoạt động của các mô hình phải bảo đảm theo các bước, bảo đảm theo tiêu chí và yêu cầu mới tổ chức công bố Quyết định và ra mắt mô hình.